Chuẩn bị cho mẹ
Anh ấy không còn trẻ, 31 tuổi, công việc ổn định và có vị trí xã hội. Chỉ có điều, anh vừa ly hôn và đang nuôi con trai ba tuổi. Nguyên nhân ly hôn do vợ anh là con nhà giàu, cưới nhau được một tháng thì chị ấy bỏ về nhà mình ở vì không muốn làm dâu. Anh là con trai trưởng, không muốn bỏ ba má sống một mình. Thời gian đầu, anh cũng lui tới hai nhà nhưng càng ngày càng không chấp nhận được. Vợ anh và gia đình vợ không tôn trọng anh nên thường xuyên cãi nhau. Sau khi cháu bé ra đời, vợ anh cũng không về nhà nội ở. Họ gần như ly thân, một thời gian sau thì ly hôn. Hoàn cảnh của con cũng éo le. Con 26 tuổi, chưa hề biết mặt cha. Mẹ một mình nuôi con từ nhỏ. Nay nếu con đến với anh, chắc phải bỏ mẹ sống một mình. Áp lực từ việc anh đã có gia đình, từ cảnh con ghẻ mẹ kế, từ việc làm dâu, việc để mẹ mình sống cô đơn… làm con muốn ngã quỵ. Chỉ có tình yêu mới có thể cho con nghị lực để sống tiếp. Chúng con quyết định đến với nhau bất chấp khó khăn, nhưng con không biết làm cách nào để chuẩn bị tinh thần cho mẹ. Nếu con nói việc này ra, mẹ sẽ bị sốc. Xin cô chỉ cách để mẹ chấp nhận chuyện tình cảm của con?
Thùy Nhi (TP.HCM)
Cháu Thùy Nhi thân mến,
Cuộc sống là vậy, luôn đặt mình trước những thử thách khó vượt qua. Thật quý là cháu đã biết nghĩ cho mẹ, lo cho mẹ khi quyết định chọn lựa hạnh phúc của mình. Tình thương và sự tinh tế sẽ giúp cháu tìm được cách tốt nhất, Hạnh Dung tin là vậy.
Cháu không nói rõ thời gian quen nhau và dự định cụ thể sắp tới, nên Hạnh Dung cứ coi như mình đang tư vấn cho một người không quá vội vàng. Trước tiên, cháu cần để mẹ làm quen với bạn trai, đưa anh về nhà, giới thiệu với mẹ, để mẹ cháu yên tâm về người mà cháu sẽ cùng chia sẻ cuộc đời. Dần dần từng bước, cháu tâm sự với mẹ về hoàn cảnh của anh ấy. Mưa dầm thấm đất, mẹ cháu sẽ hiểu và thông cảm. Từ đó, cháu có thể hỏi mẹ mình nên xử sự thế nào trong trường hợp cần phải về bên ấy làm dâu. Hạnh Dung tin rằng, với bản chất hy sinh của người mẹ, mẹ cháu sẽ có câu trả lời cháu mong muốn.
Mặt khác, cháu cũng cần thời gian để làm quen với đứa bé và gia đình bên ấy. Qua một lần lỡ dở của con trai, có thể có hai khả năng xảy ra. Khả năng thứ nhất là ông bà thấy mình đã góp phần nào đó cản trở hạnh phúc của con, nên sẽ không khăng khăng bắt cô con dâu kế tiếp cũng phải về làm dâu nữa. Khả năng thứ hai là ông bà ra điều kiện “phải về làm dâu” ngay từ đầu, để tránh thêm một lần con trai phải lấn cấn nhà mình - nhà vợ. Tùy tình hình mà có cách sắp xếp cháu ạ. Cứ nhắm mắt “sẵn sàng chấp nhận tất cả” không phải là một cách hay.
Cuối cùng, Hạnh Dung muốn nói với cháu rằng việc “làm dâu” bây giờ cũng có năm bảy đường, không đến nỗi phải tuyệt đối cấm cung trong nhà chồng, cháu lo lắng “bỏ mẹ một mình” có khi cũng hơi quá. Cha mẹ chồng muốn sống gần con cái, cũng sẽ hiểu và thông cảm cho việc cháu tới lui chăm sóc mẹ. Cháu nên trò chuyện cho mẹ hiểu và không nên quá lo lắng về chuyện này. Hạnh phúc của cháu do cháu quyết định, cha mẹ nào cũng hiểu con, yêu thương con, đó là nền tảng để cháu yên lòng mà chuẩn bị dần tâm trạng và tinh thần cho mẹ. Chúc cháu thành công.
Hạnh Dung
(hanhdung@baophunu.org.vn)
Đăng bài viết của bạn bằng cách gữi bài viết về email cuchot86@gmail.com