|

Quên

Ốc còn đang vất vả với mình ốc, có chị lại nhờ Hạnh Dung hướng dẫn giúp cách nào để quên việc chồng phản bội mình. Trong email chỉ vỏn vẹn vài dòng, chị than: “Dù đã tha thứ nhưng sao em không thể quên được, chuyện đó cứ ám ảnh em!”. Một bạn gái trẻ khác, bị người yêu bỏ rơi, giờ tuy đã tạm bình tâm lại nhưng buồn vẫn cứ buồn, cũng mail hỏi Hạnh Dung cách để quên vì “em không sao quên được những ngày tháng bên anh ấy, cứ nghĩ đến là lòng lại nhói lên...”. Chỉ một chữ “quên”, sao mà quá khó!

Quên

Chợt nhớ lời một bài hát cũ: “Người ơi khi cố quên là khi lòng nhớ thêm”, có vẻ hơi... sến một chút, nhưng những ai từng “qua cầu” mới thấm thía thế nào là nỗi niềm “cố quên, càng nhớ” đó. Lẩn thẩn một chút, Hạnh Dung thử tra Google cụm từ “cố quên càng nhớ” và thật sự “choáng váng” vì có đến gần 10 triệu kết quả được tìm thấy. Theo thuật toán của Google, nếu thêm vài từ cho rõ ý hơn vào cụm từ trên, kết quả sẽ càng nhiều hơn. Hóa ra, chuyện cứ tưởng chỉ của cá nhân nhưng lại là chuyện “chẳng của riêng ai”. Thậm chí, trên YAHOO! Hỏi&Đáp còn có hẳn một câu hỏi “Nếu càng cố quên lại càng nhớ thì nên làm gì đây?”. Lời giải cho vấn đề - câu trả lời hay nhất do người đọc bình chọn, là: “Đừng cố quên cũng đừng cố nhớ, cứ sống tự nhiên, việc gì đã qua để nó qua không níu kéo. Nỗi nhớ có trào lên thì nhớ cũng tốt thôi, vì đó là kỷ niệm đẹp trong đời, việc gì phải quên mới được?... Đừng bao giờ sợ nỗi nhớ nhung. Nỗi đau trong tình yêu là viên ngọc của tâm hồn. Sống mà không có kỷ niệm, không nhớ nhung là một cuộc sống lãng nhách”. Chưa hẳn đã là một lời giải đầy đủ, nhưng Hạnh Dung xin được ghi lại để những chị em đang sống trong nỗi “cố quên, càng nhớ” tham khảo.

Lý sự một chút, “phương thuốc” cho “căn bệnh” này đã được chỉ bày sẵn ngay trong cách gọi tên “bệnh”. Nếu đã cố quên - càng nhớ thì đơn giản chỉ cần đừng cố quên, sẽ không còn gợi nhớ. Trong chuyện nhớ - quên, nếu chị em từng hỏi người nào đó “Làm sao để quên?”, hẳn sẽ nhận được một câu trả lời rất quen: “ Đừng nghĩ đến nó nữa!”. Theo Hạnh Dung, đó là một câu hơi bị... ngớ ngẩn, bởi nếu mình đã nghĩ đến việc “đừng nghĩ đến nó” thì mặc nhiên là “đã nghĩ đến nó” rồi, có quên được chút nào đâu!

Thật ra, nhớ - quên là chuyện tất nhiên, đã là người thì không ai không quên quên, nhớ nhớ. Bộ nhớ của người ta đâu đơn giản bấm delete là xóa ngay được như bộ nhớ máy tính. Bao điều đến với mình trong đời chẳng cần mình muốn nhớ hay quên, nó cũng tự lưu dấu lại. Có những chuyện tưởng đã quên, đã bị thời gian phủ một lớp bụi dày, nhưng chỉ cần được gợi lại, là vẫn cứ như mới xảy ra hôm qua. Việc gì tác động đến tình cảm càng lớn thì nỗi nhớ càng sâu, cả đời chẳng quên được. Vì thế, Hạnh Dung nghĩ, ta đừng cố nhớ - cố quên, cứ để thời gian làm việc của nó. Chuyện mới ai chẳng choáng váng, lao đao, nhưng cứ cho nó ít thời gian để... cũ đi, tâm trạng ta sẽ khác, đừng mong “uống thuốc vào là bệnh khỏi ngay”.

Cách đơn giản nhất để đừng nhớ nhiều, đau nhiều, theo Hạnh Dung, là nên tìm chuyện gì khác để làm, cái gì đó để học, món gì đó để chơi...; đừng đóng cửa đắm mình trong nỗi đau mà hãy tham gia vào những cuộc vui với bạn bè, người thân... Khi bắt đầu chắc chắn sẽ gượng gạo, sẽ thấy chẳng hào hứng gì, đau vẫn cứ đau..., nhưng hãy cứ tiếp tục. Bao xôn xao theo nhau đến sẽ chi phối tình cảm, suy nghĩ, buộc mình phải cuốn theo nó; cái đau, cái nhớ theo đó mà nguôi ngoai dần. Không có thuốc tiên, chỉ có thời gian; mà trong chuyện này, thời gian bao giờ cũng bước chậm.

Suy cho cùng, không nhớ - không quên, không từng hạnh phúc - đớn đau, đời người sẽ tẻ nhạt, vô vị. Dù chẳng thể quên nhưng hãy buông bỏ bớt, mùa xuân trước mắt còn bao chuyện phải nghĩ, phải làm...

Hạnh Dung (hanhdung@baophunu.org.vn)

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn vào thứ Hai, Tư, Sáu (sáng: từ 8g -11g30; chiều: từ 13g30 - 16g30)

Đăng lên bởi admincuchot lúc 01:55. Trong thư mục , . Nếu như bạn thích tin tức từ website này hãy theo dỏi bằng RSS 2.0.
Đăng bài viết của bạn bằng cách gữi bài viết về email cuchot86@gmail.com

0 comments for "Quên"

Leave a reply