|

Nhân danh tình yêu?


Cả nạn nhân và hung thủ trong hai vụ việc này đều là đàn bà. Một người đàn bà đánh ghen, một người đàn bà bị đánh, một cô gái đi cấp cứu vì bỏng toàn thân 95%. Người đàn bà đánh ghen có thể bị khởi tố, người đàn bà kia đã bị xúc phạm nhân phẩm. Còn cô gái đã chết trong bệnh viện. Lật lại những vụ việc trước đó, còn có những cô bị người yêu chém chết, có những kẻ giết người xong còn lên mạng tự thuật tâm sự trước khi ra công an đầu thú. Nạn nhân bất hạnh bị xâm phạm, bị chà đạp, bị giết chóc… đa phần là phụ nữ. Kết quả làm đau lòng xã hội, không phải chỉ vì họ là đàn bà, mà còn vì đàn bà xưa nay vẫn được coi là phái yếu, được nâng niu, trân trọng yêu thương, nỡ nào chà đạp giày xéo lẫn nhau, hay nỡ nào bị chém, bị thiêu dã man đến thế?

Hình như vẫn còn đâu đó những ảo tưởng khiến các cô gái không nhìn thấy nguy cơ thiệt mạng của mình. Hình như chị em vẫn nghĩ: đó là kẻ đã yêu thương mình, đã từng mặn nồng gần gũi, chắc không đến nỗi ra tay thủ ác. Vậy nên họ vẫn “dễ ngươi”, vẫn chủ quan, vẫn không phòng bị. Thử đặt lại vấn đề: cô Y. ở Đà Nẵng bị thiêu sống do kẻ yêu Y. không được cô đáp lại. Nếu ngay từ đầu, Y. kiên quyết không gặp gỡ, tiếp xúc, duy trì mối quan hệ với Thành, thì liệu cô có gặp kết cục thảm như vậy? Cô H. nếu không gắn bó, yêu thương một thời gian, liệu có bị người yêu cầm mã tấu truy sát vào tận quán cơm chém chết dã man như vậy? Kẻ thủ ác chính là kẻ kề cận gần gũi bên mình, hiểu rõ đường đi nước bước, hiểu rõ cả người thân thuộc họ hàng, chém chết người xong còn gọi điện thoại cho người thân của nạn nhân để báo tử!

Phụ nữ vốn cả tin, cả tin đến nhiều khi ảo tưởng. Trước cái ác, phải có một cách hành xử khác, kể cả tránh né, trốn chạy, cũng không ai trách. Thế mà họ vẫn chọn cách hành xử “như xưa”, thay vì ngày xưa là “người yêu” thì bây giờ chỉ khác là “người yêu cũ”. Đó chính là điều kiện cơ bản để kẻ thủ ác xuống tay, nhân danh tình yêu, một thứ tình yêu điên cuồng thù hận.

Nhân danh tình yêu?

Có lẽ, trong những bài học tự vệ dành cho phụ nữ, phải tự nhắc nhở chị em mình rằng có hai kiểu phản ứng rất khác nhau của hai giới. Với đàn bà, trả thù có nghĩa là phải làm nhục kẻ thù, ở mức độ nào đó có thể là lột quần áo, xởn tóc, trét ớt bột, chửi bới công khai… Nhưng với đàn ông, trả thù mang nghĩa tàn bạo hơn nhiều, có thể là phải tàn hại, phải đánh, phải giết. Khi mầm mống của cái ác, cơ hội của cái ác đã sẵn, đừng trông mong gì, đừng nghĩ mình có thể đương đầu với nó, đừng thách thức, hãy tự vệ, dù theo cách của kẻ yếu là tránh đi, trốn đi… cũng được. Xã hội chắc sẽ được đánh động vì những vụ án điên tình xảy ra càng nhiều, càng dày đặc. Các cơ quan chức năng chắc sẽ nhạy cảm và hữu hiệu hơn trước những lời kêu cứu của phụ nữ, nhưng bản thân chị em mình, hãy nghĩ cho mình trước, hãy tự vệ trước, dẹp bớt những ảo tưởng đi.

Một khía cạnh khác của những câu chuyện này, đó là tốc độ yêu và chia tay của những người trẻ. Trở lại thế hệ cha ông, không phải không có những kẻ điên tình. Thời nào chẳng có kẻ thất tình, nhưng ngày trước ít những kẻ “ác tình” hơn ngày nay. Có lẽ, vì thời đó, người ta tin khi từ chối tình yêu, cũng vì tình yêu, chứ không vì những cái gì khác. Hoặc vì ngày trước, yêu chậm hơn, nên trao gửi hay từ chối cũng còn thời gian để tỉnh táo. Nay thì tự do yêu, rồi tự do bỏ. Những cô gái có nhiều mối tình, tất nhiên là phải nói nhiều lời từ chối, mỗi lời từ chối đều là một rủi ro. Khi trao gửi nhanh chóng, khi sở hữu quá nhiều, thì mất mát sẽ trở thành cú sốc, khiến sinh những hành động điên cuồng.

Cuối cùng, ngậm ngùi hơn cả, đó là lòng tin. Nhìn cảnh hai mẹ con cùng đấm đá, lột quần lột áo của người đàn bà được cho là kẻ thứ ba xen vào gia đình họ, thấy lo lắng cho một thế hệ trẻ đã bị giáo dục ý thức sở hữu tình yêu bằng cuộc đánh ghen công khai, làm nhục người khác. Chuyện lột quần lột áo, quay phim chụp ảnh đưa lên mạng… đã bị biến thành “tiền lệ”, nên mới dẫn đến sự kiện này. Diễn viên này tát người mẫu kia, nữ sinh xé áo bạn, túm tóc bạn, đánh nhau quay clip tung lên mạng, hàng vạn lượt xem và bình luận… Chuyện riêng đã bị biến thành chuyện công cộng. Làm sao tin được rằng rồi những đứa trẻ ấy lớn lên và sẽ không lặp lại những hành động tương tự? Nhân danh tình yêu người ta được làm như thế ư? Nhân danh gia đình người ta được làm như thế ư? Hoàn toàn không phải.

Người đàn bà đi đánh ghen kia, bản thân tình cảm gia đình chị đã bị ăn mòn, gặm ruỗng bởi sự nghi ngờ, dằn vặt. Rồi đây hạnh phúc của gia đình chị cũng không thể hàn gắn được sau cuộc đánh ghen. Chị chỉ làm để thỏa mãn cơn điên giận nhất thời thôi, không hề thu lại được điều gì có ích. Phải nhận ra rằng không có tình yêu trong câu chuyện này, chỉ có lòng thù hận tăm tối, chỉ có sự nông nổi dại dột, thì câu chuyện này mới có thể nhắc những người đàn bà khác đừng hành xử với nhau như thế…

Hạnh Dung


Đăng lên bởi admincuchot lúc 06:07. Trong thư mục , . Nếu như bạn thích tin tức từ website này hãy theo dỏi bằng RSS 2.0.
Đăng bài viết của bạn bằng cách gữi bài viết về email cuchot86@gmail.com

0 comments for "Nhân danh tình yêu?"

Leave a reply