|

Ứng xử với “cua lột”


Đàn ông thường ít sâu sát đến chuyện vợ sinh nở, chăm em bé thế nào, chỉ nghĩ đơn giản rằng “vợ sinh đẻ vất vả, sinh xong thì bận rộn với việc chăm con”, thế thôi. Trong khi đó, nếu chịu khó tường tận vào chi tiết, sẽ thấy một lần sinh con là một lần phụ nữ “trần ai khoai củ” như thế nào. Người ta ví phụ nữ sinh nở xong, sẽ mong manh, yếu ớt như “con cua lột”. Chuyện mang nặng chín tháng mười ngày trước đó đã khiến thai phụ quá mệt mỏi cả thể chất lẫn tinh thần. Tất nhiên, sự mệt mỏi luôn tỷ lệ nghịch với ham muốn. Một thời gian dài không nghĩ đến “nó”, sinh con xong, lại "bị thương" và cần thời gian dưỡng thương (đàn ông nên để ý một điều cơ bản rằng, dẫu không sinh mổ, phụ nữ vẫn bị một vết rách, vì không muốn bị rách một cách thiếu kiểm soát nên các bác sĩ thường chủ động cắt tầng sinh môn để tạo một vết rách “đẹp” cho em bé lọt lòng). Ngay cả khi vết thương đã lành, cơ thể người mẹ vẫn còn yếu ớt, ê ẩm vì suốt ngày vật lộn với con thơ.

Với những bà mẹ có thể trạng khỏe mạnh, lấy lại được sức lực sau vài tháng, thì cũng khó sẵn sàng cho chuyện ấy, bởi tinh thần vẫn còn bộn bề trăm mối. Thử tưởng tượng, một người vốn được đi làm, giao tiếp rộng rãi, bây giờ lại phải ngồi từ sáng đến khuya giữa bốn bức tường sẽ stress biết chừng nào?

Thực tế, một người đàn ông yêu vợ, cùng lắm cũng chỉ vô buồng thăm hỏi vợ vài câu, bẹo má con một cái rồi lại chuồn mất tăm. Cũng sẽ có đôi lần chồng đòi “tòm tem”, nhưng trước sự khước từ của vợ và khung cảnh khai nồng nước tiểu trẻ con như thế, chàng sẽ cụt hứng và thôi không mặn mà nữa. Những lúc như vậy, chàng hơi có ý trách vợ, kiểu “chăm con thì chăm con, cũng phải quan tâm đến đời sống vợ chồng chứ, có con là bỏ bê luôn chồng”; còn vợ lại hờn trong lòng, kiểu “đúng là vô tâm như đàn ông, biết người ta cực khổ, đã không ủi an thì chớ, còn đòi hỏi quá đáng”.

Nhưng rồi “cua lột” cũng phải sớm tính đến chuyện “trở lại đường đua”, chứ cứ để mọi chuyện trôi một cách tự nhiên thì lâu lắm. Dân gian khuyên là sau ba tháng mười ngày mới được “tiến hành”; y khoa hiện đại lại đưa ra khái niệm “bài kiểm tra sáu tuần”, tức sau sáu tuần mà thấy mọi thứ “ngon lành” thì “bệnh gì mà cữ”. Nhưng mốc thời gian không quan trọng bằng việc hai bên xúc tiến với nhau như thế nào.

Cả hai cùng chủ động dần làm quen trở lại với “chuyện ấy”, bắt đầu từ những cử chỉ nhỏ. Người vợ cần mở lòng mình hơn. Người chồng nên bắt đầu với việc khơi gợi về mặt tinh thần trước, sau đó mới mon men tìm đến thể xác. Những nội dung liên quan đến việc chăm sóc con; sức khỏe, tâm tư của vợ cần được chồng gợi ra nhiều hơn để vợ trải lòng cho thoải mái. Khi đã giúp vợ thoải mái, vui vẻ, những cử chỉ âu yếm nhẹ nhàng sẽ dần dẫn dụ nàng nghĩ đến chuyện gối chăn. Nhiều người chồng thất bại là do gặp “cua lột” mà ứng xử bằng câu hỏi “có hoặc không”. Tất nhiên là bà đẻ sẽ trả lời “không” cho gọn.

Vì là đã lâu không “ăn chơi”, nên người vợ sẽ thấy lạ lẫm khi bắt đầu trở lại. Điều quan trọng nhất để người chồng tiếp cận hiệu quả được với người vợ trong thời kỳ “nhạy cảm” này là phải đến với tâm thế như một người hoàn toàn mới. Vì là mới nên phải dùng đủ chiêu để lấy lòng, tán tỉnh.

ThS-BS Mai Bá Tiến Dũng
(Trưởng khoa Nam học - BV Bình Dân TP.HCM)


Đăng lên bởi admincuchot lúc 09:10. Trong thư mục , . Nếu như bạn thích tin tức từ website này hãy theo dỏi bằng RSS 2.0.
Đăng bài viết của bạn bằng cách gữi bài viết về email cuchot86@gmail.com

0 comments for "Ứng xử với “cua lột”"

Leave a reply