Một bài học
Chúng em sống với nhau vui vẻ cho đến khi phát sinh mâu thuẫn với nhà chồng. Chuyện là sau khi cưới, chồng em bảo em gửi nữ trang cưới cho mẹ chồng. Cách đây mấy tuần, chồng em hùn hạp làm ăn với bạn bè, đã lấy một phần nữ trang cưới đem bán mà không cho em biết. Vợ chồng có cãi vã qua lại, rồi cũng đâu vào đấy. Mới đây, chồng em lại cần thêm tiền làm ăn, em nói anh về lấy vàng cưới bán luôn, mới phát hiện việc mẹ chồng đã lấy vàng cưới của em đem cầm, lấy tiền chuộc lại sổ đỏ ở ngân hàng. Em thật sự bị sốc. Giờ em có nên nói chuyện đó với mẹ chồng không? Từ ngày cưới đến giờ, chồng em chỉ lo cho anh và gia đình anh, em đi làm tự nuôi con em, do không thiếu thốn nên cũng không tranh cãi chuyện tiền bạc. Riêng chuyện vàng cưới, em rất giận và cảm thấy mình không được tôn trọng, vì chồng và mẹ chồng tự ý sử dụng mà không hỏi ý kiến em. Chồng em cũng thương vợ, thương con nhưng anh xem cha mẹ, bạn bè là số một, ai cần gì là giúp ngay. Giờ em không biết mình phải đối diện với mẹ chồng thế nào? Chị giúp em một lời khuyên.
Hương Giang (Q.5)
Em Hương Giang mến,
Chuyện em đang vướng mắc là chuyện tiền bạc nhưng ứng xử thế nào, theo Hạnh Dung, cốt lõi là ở việc em còn yêu chồng và còn muốn giữ gia đình cho êm thắm hay không. Em cho biết, chồng em “cũng thương vợ” và chỉ ấm ức vì chồng và gia đình chồng “thiếu tôn trọng mình”, chứ không quá quay quắt vì vừa mất đi một khoản tiền lớn. Do vậy, Hạnh Dung nghĩ, em không nên làm lớn chuyện, hãy xem như việc đã rồi, không quy lỗi, trách cứ hay yêu cầu ai phải bồi hoàn cho mình. Em chỉ cần nói thẳng với chồng về cảm giác bị xem thường, bị qua mặt và yêu cầu chồng em sau này, khi phải chi tiêu những khoản lớn, phải bàn bạc với em để vợ chồng cùng tính toán, không được cư xử như thế nữa. Tiền mất thì đã mất rồi, em hãy để mẹ chồng “nợ” em một món “nợ”, mà chắc chắn bà sẽ trả lại cho em, không phải bằng tiền mà bằng cách khác, có thể là thái độ ứng xử với em sau này. Em không đòi thì cái em mất sẽ không uổng phí. Nhưng nếu em đòi, cái mất chưa chắc đã đòi được, lại còn mất thêm, mà thấy rõ nhất, ngay tức thì, là mất đi mối quan hệ đang êm thấm giữa mẹ chồng - nàng dâu. Bài học em phải rút ra ở đây là phải khéo léo trong việc quản lý tiền bạc, để gia đình chồng và thậm chí cả chồng em, không thể dòm ngó hay lạm dụng được nữa. Họ đã có “bệnh” thì mình phải phòng ngừa thôi.
Ở đây, Hạnh Dung thấy có một chuyện lớn muốn nhắc em là cách sống của vợ chồng em với nhau. Em không thể để mặc chồng làm ăn theo kiểu của chồng mà không cần quan tâm. Em phải biết chồng đang làm gì, vốn liếng ra sao, lợi tức thế nào... Em cũng không nên một mình tự lo cho hai mẹ con, không cần đến chồng dù thừa sức tự lo. Làm sao có thể nói như em là “em đi làm tự nuôi con em” - phải là con của vợ chồng em chứ! Em phải tìm cách để gắn kết chồng em vào trách nhiệm với vợ con, lo trực tiếp cho gia đình. Tiền bạc là chuyện nhỏ, sự gắn bó và việc thể hiện trách nhiệm cụ thể mới là quan trọng. Đã có vợ con rồi thì phải lo cho vợ con là chính, không thể sống bao đồng, ai nhờ gì cũng giúp, trong khi vợ con thì không thèm lo đến. Phải tìm cách dần điều chỉnh lại thôi, nếu không em sẽ còn mệt mỏi dài dài với chồng em.
Hạnh Dung
(hanhdung@baophunu.org.vn)

Đăng bài viết của bạn bằng cách gữi bài viết về email cuchot86@gmail.com