Tranh con
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Do vợ chồng có nhiều mâu thuẫn không giải quyết được, chúng em đã thống nhất sẽ ly hôn. Hiện em đang sống cùng hai con tại nhà riêng do bố mẹ em cho, đứng tên em. Em làm việc trong một doanh nghiệp nhà nước đã 5 năm, thu nhập ổn định. Chồng em là bộ đội, ở cách nhà 12km, khoảng hai tuần mới được về nhà hai ngày thứ Bảy, Chủ nhật, nhưng có khi cả tháng anh không về được. Nhà bố mẹ chồng cách nhà em khoảng 60km. Anh đã nhiều lần yêu cầu em đưa con về cho ông bà nội nuôi, hàng tháng gửi tiền nhưng em không đồng ý. Em nghĩ, con phải sống cùng bố mẹ, con em lại còn quá nhỏ, sống với mẹ sẽ được chăm sóc tốt hơn. Chồng em thì cương quyết bắt hết hai con đem gửi nhà nội. Em không thể sống thiếu con, không cần anh đóng góp trợ cấp. Em phải làm sao để được quyền nuôi hết hai con?
Thủy (Đăk Lăk)
Em Thủy mến,
Về mặt pháp luật, Hạnh Dung chỉ nhắc để em nhớ là theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình, khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền xin ly hôn. Thông thường, khi ly hôn, nếu vợ chồng không thỏa thuận được về người trực tiếp nuôi con, tòa án sẽ quyết định, căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nhưng về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi. Với hoàn cảnh cụ thể của em: có nhà cửa, việc làm, thu nhập ổn định, trong khi chồng em phải công tác xa nhà, hoàn toàn không có điều kiện trực tiếp chăm sóc con, chỉ phó thác cho ông bà, thì khi ly hôn, nhiều khả năng em sẽ giành được quyền nuôi các con. Em đã nghĩ đúng là con cái phải sống với bố mẹ để được nuôi dạy tốt hơn, bất đắc dĩ lắm mới phải nhờ đến ông bà. Theo luật, con nhỏ tất nhiên tòa sẽ giao cho em nuôi, còn con lớn, nếu đã trên ba tuổi, thì còn tùy nhận định của tòa. Nếu cương quyết giành quyền nuôi hết hai con, em nên tham khảo các tài liệu pháp luật về ly hôn, nhờ luật sư tư vấn thêm, để biết cách thuyết phục tòa hiệu quả.
Quy định của pháp luật thì đã rõ, điều quan trọng hơn Hạnh Dung muốn đề cập với em là chuyện tình cảm và đời sống tinh thần của các con. Cho dù không còn là vợ chồng nữa thì hai em vẫn mãi mãi là cha - mẹ của các con mình; vẫn còn đầy đủ trách nhiệm và bổn phận. Vợ chồng ly hôn, con cái sẽ thiệt thòi nhất vì không còn được sống trong một gia đình toàn vẹn. Vì thế, vợ chồng nên cố gắng thỏa thuận với nhau cách nào đó tốt nhất để bù đắp cho con; đừng vì quá căng thẳng với việc chia, tranh con để cuối cùng không còn muốn nhìn mặt nhau. Giữ được cả cha và mẹ cho con sau ly hôn mới thật sự là vì con. Đọc thư, Hạnh Dung có cảm giác vợ chồng em như đang quyết liệt tranh con. Chồng muốn ôm hết hai con giao cho nội; vợ cũng đòi nuôi hết, không cần đến chồng.
Theo Hạnh Dung, em nên nhờ luật sư tư vấn kỹ hơn về pháp luật, sau đó ngồi lại với chồng, thẳng thắn phân tích mọi lẽ, mỗi người vì con mà nhân nhượng một chút, để thống nhất cách chăm sóc con thích hợp với hoàn cảnh hiện tại của cả hai. Ví dụ, em bàn với chồng, em đã sẵn cuộc sống ổn định, có thể giữ nuôi cả hai con, nhưng chồng em vẫn phải đóng góp. Việc này không đơn giản là chuyện tiền bạc mà còn là trách nhiệm, bổn phận, là để các con thấy dù cha mẹ không sống cùng nhau nhưng chúng vẫn nhận được sự chăm lo của cha. Nếu em nuôi con, anh ấy sẽ thăm nom con thế nào, lúc nào; việc đưa con về thăm viếng nhà nội ra sao... cũng cần được thỏa thuận với nhau cho rõ ràng. Vì không chỉ là nuôi con, mà còn phải gắng giữ được cho con những mối dây liên hệ thân tộc, giữ được hình ảnh tốt đẹp của cha và mẹ trong mắt con. Nếu chồng em thật sự thương con và là người hiểu lý lẽ, Hạnh Dung nghĩ hai em sẽ tìm được giải pháp, không đến nỗi phải cạn tình tranh con trước tòa.
Hạnh Dung (hanhdung@baophunu.org.vn)
Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn vào thứ Hai, Tư, Sáu (sáng: từ 8g -11g30; chiều: từ 13g30 - 16g30)

Đăng bài viết của bạn bằng cách gữi bài viết về email cuchot86@gmail.com