|

Bị chèn ép?

Chồng em là kỹ sư, em dạy ở một trường khuyết tật, cuộc sống tuy không đầy đủ nhưng thu vén cũng tạm ổn. Năm rồi, mẹ chồng em qua đời, chỉ còn bố chồng và người chị chồng độc thân ở nhà bố mẹ chồng. Bố chồng em muốn gia đình em về sống chung để chăm sóc ông, sau này ông qua đời thì chăm sóc chị. Chị bị ung thư, lại liệt cả hai bàn tay. Nghĩ hoàn cảnh mình, em thấy khó gánh vác được bổn phận vì hai con còn nhỏ (con lớn mới mười tuổi), lo cho con cũng đã vất vả. Em lại bị cao huyết áp, công việc đang làm cực nhọc mà thu nhập không bao nhiêu. Gia đình chồng còn hai người con trai, một người anh làm lao động tự do và một người em đang làm giám đốc. Em đề nghị chia đều thời gian chăm sóc cho cha và chị nhưng hai người kia thì có ý định thuê người chăm sóc. Họ thừa khả năng đóng góp, trong khi vợ chồng em thu nhập thấp, không biết kiếm đâu ra tiền. Bố chồng thì xót tiền, chỉ muốn vợ chồng em phải về ở chung. Em thật lòng không muốn chồng khó xử khi để cha và chị tuổi già, đau yếu, nhưng sức mình có hạn nên rối trí không biết tính thế nào. Em buồn vì cảm thấy mình bị chèn ép, bất công. Em có nên nói rõ khó khăn của mình rồi từ chối không về, hay nhắm mắt về ở đại, muốn ra sao thì ra?

Ngọc (Q.4)

Bị chèn ép?

Em Ngọc mến,

Em đã nhắc đến hai chữ bổn phận thì cũng nên hiểu, đã bổn phận là không thể không thực hiện, dù vì bất kỳ lý do gì. Điều quan trọng ở đây không phải là khi có điều kiện mới thực hiện bổn phận, mà ở chỗ mình cố gắng hết lòng, hết sức, trong khả năng có thể. Cũng vì thế, em đừng nuôi cái suy nghĩ mình bị chèn ép, bất công; sẽ khiến em luôn ấm ức trong lòng, có lo cho gia đình chồng cũng không được trọn tình. Thật ra, bố chồng, các anh em chồng và chính em cũng vậy - mỗi người đều đứng ở hoàn cảnh và cách nhìn của mình mà xem xét và tính toán cách giải quyết. Vì thế, em không nên buồn lòng vì mọi người không nghĩ đến mình. Việc cần làm là yêu cầu mọi người ngồi lại bàn bạc kỹ với nhau, cùng nhau phân tích mọi lẽ để tìm cách chăm sóc cha và chị thích hợp nhất, dung hòa được điều kiện của cả ba anh em, để ai cũng có thể chấp nhận và chung tay được.

Cả hai hướng em đưa ra trong thư đều không nên làm. Không thể giãi bày hoàn cảnh rồi dựa vào đó mà buông xuôi, nhưng cũng không thể nhắm mắt làm liều khi biết chắc mình không làm nổi. Trước mắt, em nên bàn với chồng về điều kiện thời gian và thu nhập của hai vợ chồng, về việc chăm sóc con, về sức khỏe của em... để chồng em hiểu cụ thể hơn. Từ đó, em đề nghị chồng bàn bạc trực tiếp với các anh em chồng tìm giải pháp phù hợp, tìm tiếng nói chung cho mấy anh em. Ví dụ, các anh em chồng, theo thư em, thoải mái chuyện tiền bạc thì họ có thể góp tiền để thuê người giúp việc, lo sinh hoạt hàng ngày cho cha và chị. Vợ chồng em khó khăn hơn thì thì góp công thay của, về sống chung, quản lý mọi chuyện trong nhà. Có người giúp việc phụ một tay, chắc em cũng không đến nỗi quá vất vả. Phải cố gắng mỗi người một chút, mãi tỵ nạnh nhau thì bàn chuyện gì cũng chỉ thấy bế tắc. Hạnh Dung từng biết ở nhiều gia đình, các anh chị em cũng chăm sóc cha mẹ già theo cách đó: người có của góp của, có công góp công, phải có người chịu hy sinh sống cùng cha mẹ, đứng mũi chịu sào trong việc chăm sóc. Các anh chị em khác sẽ hỗ trợ, bù đắp cho những thiệt thòi kinh tế mà người đó phải chịu, do không còn nhiều thời gian để làm việc kiếm tiền. Quan trọng nhất là anh chị em phải đồng lòng vì cái chung, đừng chỉ nghĩ đến bản thân. Mặt khác, cũng đừng để cha mẹ già phải tủi thân những năm tháng cuối đời vì sự so đo tỵ nạnh của con cái. Mong vợ chồng em sớm thu xếp ổn thỏa chuyện gia đình.

Hạnh Dung (hanhdung@baophunu.org.vn)
Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn vào thứ Hai, Tư, Sáu (sáng: từ 8g -11g30; chiều: từ 13g30 - 16g30)

Đăng lên bởi admincuchot lúc 14:42. Trong thư mục , . Nếu như bạn thích tin tức từ website này hãy theo dỏi bằng RSS 2.0.
Đăng bài viết của bạn bằng cách gữi bài viết về email cuchot86@gmail.com

0 comments for "Bị chèn ép?"

Leave a reply