Cha luôn là cha
Cuối cùng, bố cũng không kiếm được. Mẹ em vốn là giáo viên mầm non, phải nghỉ ở nhà chăm bốn đứa con. Mẹ hiền lành, chẳng biết đánh ghen là gì. Bố em công tác xa, lại có bồ công khai nên ít về nhà. Sau nhiều năm, giờ bố mẹ em không còn tình cảm nữa. Mẹ chẳng có thu nhập gì, bố để cho mẹ một cái nhà cho thuê lấy tiền tiêu, còn bố có bao nhiêu tiền bạc, tài sản mẹ không biết. Chúng em giờ đã trưởng thành, có gia đình, mẹ vẫn ở quê, thỉnh thoảng đến ở với chúng em. Bố ở riêng với đứa em út của em, thường xuyên có một người phụ nữ đến sống chung. Bố vẫn chu cấp một phần kinh tế cho chúng em, nhưng nếu chúng em tỏ vẻ khó chịu với mẹ con nhân tình của bố thì bố bảo chúng em vô ơn.
Chúng em là con, không thể bỏ bố hoặc mẹ được, nhưng em cũng tỏ thái độ không chấp nhận cách sống của bố bằng việc không bao giờ đến thăm bố khi có bà ta ở đó. Từ nhỏ đến giờ, lúc nào chúng em cũng thấy lòng nặng trĩu vì chuyện của bố mẹ. Giả sử, bố mẹ ly hôn, bố đàng hoàng đến với bà sau thì cũng không đến nỗi. Đằng này, hai người sống kiểu như nhân tình, nên lắm điều tiếng. Mặt khác, mẹ phải sống trong buồn tủi, cô đơn, mang tiếng có chồng cũng như không. Chúng em cảm thấy rất có lỗi với mẹ vì vẫn qua lại với bố. Nhiều lúc chúng em khuyên mẹ nên ly hôn để mấy mẹ con được thoải mái tinh thần hơn. Mẹ em ngày trước cũng xinh đẹp, có nhiều người thương, lẽ ra về già phải được hạnh phúc. Nhưng mẹ bảo, mẹ không có gì để mất, mẹ không trách bố vì bố đã lo lắng cho chúng em có ngày hôm nay, chứ không vì không chung thủy mà bỏ mặc con cái. Chúng em vẫn biết công lao của bố, nhưng niềm tin và sự tôn trọng thì không còn bao nhiêu vì bố đã làm mẹ và chúng em tổn thương. Tinh thần chúng em, vì thế cũng không lúc nào bình yên. Chị giúp chúng em một lời khuyên.
Thu (Q.Tân Bình, TP.HCM)
Em Thu mến,
Hạnh Dung hiểu và thông cảm với tâm trạng của mấy chị em em. Chẳng người con nào có thể sống thanh thản, yên bình khi bố mẹ có vấn đề. Chuyện của bố mẹ, con cái khó can thiệp, nhưng lại bị ảnh hưởng rất lớn. Tuy nhiên, nghĩ lại thì các em cũng đã may mắn hơn rất nhiều người có hoàn cảnh tương tự. Bố em tuy nặng đầu óc trọng nam khinh nữ, bất chấp tình nghĩa vợ chồng chỉ để “kiếm người nối dõi”; nhưng ông cũng không đến nỗi quá tuyệt tình. Ông không bỏ mặc vợ con, dứt áo ra đi mà vẫn dành cho vợ một phần tài sản để ổn định cuộc sống, vẫn bảo đảm cho các con ăn học, trưởng thành, cũng không gây áp lực để buộc vợ phải ly hôn khi vợ không muốn. Một người vẫn giữ được ý thức trách nhiệm như thế, thật ra trong cuộc sống cũng không nhiều.
Em đã có suy nghĩ đúng: “Chúng em là con, không thể bỏ bố hoặc mẹ được”, vẫn ghi nhận công ơn của bố với mình. Chuyện của bố mẹ, các con không thể và cũng không có quyền can thiệp. Mẹ em đã sống cả đời như vậy, giờ cũng đừng ép bà phải thay đổi, chỉ nặng lòng thêm. Mẹ cam chịu, không trách bố, dù tình cảm không còn thì các em cũng đừng khơi ra mâu thuẫn, buộc thêm oán thù cho bà. Với mẹ, các em chỉ cần gắng chăm sóc bà chu đáo hơn, thu xếp thời gian gần gũi bà nhiều hơn để bù đắp. Còn với bố, ông đã chọn cuộc sống đó cho mình, các em đừng vì thế mà quá nặng nề. Phải biết rũ bỏ bớt oán hờn, tình yêu thương mới có đất đâm chồi, nẩy lộc. Nếu ông ấy có lỗi, chỉ là lỗi với mẹ, chứ không phải là với các em. Dù sao, cha vẫn luôn là cha. Giả sử trong quá khứ, ông ấy có gây ra tội lỗi nghiêm trọng gì, nhưng giờ sức tàn lực kiệt, quay về bám víu vợ con, thì đạo lý của người Việt ta vẫn là mở lòng với người quay lại. Huống gì, bố em dù sống thế nào vẫn không quên trách nhiệm với vợ con. Các em nên nhìn vào đó để yêu thương hơn và cũng để nhẹ lòng hơn.
Điều duy nhất Hạnh Dung muốn nhắc là các em nên rút kinh nghiệm từ chuyện của bố mẹ, đừng sống cam chịu như mẹ để mòn mỏi cả đời. Mình phải tự chủ về kinh tế, tự làm chủ đời mình mới có thể chủ động tìm kiếm hạnh phúc; đừng dựa hoàn toàn vào người khác, chờ đợi sự ban phát hạnh phúc của người đó, để rồi khi chỗ dựa đó không còn, mọi thứ hóa hụt hẫng, chông chênh…
Hạnh Dung (hanhdung@baophunu.org.vn)
Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ 8g đến 17g các ngày thứ Hai, ba, Tư, năm, Sáu

Đăng bài viết của bạn bằng cách gữi bài viết về email cuchot86@gmail.com