|

Bên bờ vực

Cuộc hôn nhân của tôi tới tháng 11 này là đúng 14 năm, trong đó 11 năm vợ chồng cùng chung lưng cày trả nợ. Tôi là giáo viên, chồng tôi làm quản lý tại một chi nhánh ngân hàng. Lấy nhau ba năm, khi con đầu lòng ra đời cũng là lúc anh đổ nợ gần hai tỷ đồng vì hùn hạp làm ăn và chơi chứng khoán. May sao hai bên gia đình cho mượn một phần, phần còn lại phải cầm cố nhà đất để có tiền trả nợ. Ròng rã bao nhiêu năm còng lưng làm lụng, tôi cứ tự động viên mình nợ còn ít thôi, một hai năm nữa là trả xong, giấy tờ cầm cố nhà sẽ lấy về được, vợ chồng sẽ ngủ yên giấc không lo bị xiết nhà. Anh từ sau trận thua lỗ đó cũng chí thú làm ăn, trở thành nhân viên rồi lên chức quản lý của chi nhánh ngân hàng. Nào ngờ, gần đây tôi vô tình phát hiện một vé phòng khách sạn tại Đà Lạt, ngày trên vé là ngày mà anh nói với tôi là đi công tác Hà Nội. Tôi hỏi thì anh bảo khách sạn này có chi nhánh ở Hà Nội. Bằng linh tính của phụ nữ, tôi theo dõi và phát hiện anh cặp với cô nhân viên mới vào làm, hai người đã đi du lịch với nhau ở Đà Lạt. Những trận cãi vã nổ ra, vợ chồng từ chỗ cùng chung lưng vượt qua khó khăn, giờ gia đình đứng trước bờ vực thẳm. Tôi thất vọng và đau đớn quá. Khi anh mang nợ về, tôi đã nhịn ăn nhịn mặc cùng gánh, giờ anh lấy lý do tôi hay càm ràm chuyện tiền bạc nên anh tìm người khác. Tôi thật sự đau lòng và thương con, nhưng không đủ sức để đi cùng anh nữa, mà chia tay thì một nửa số nợ còn lại tính sao? Nhà cửa tính sao? Rồi còn con cái? Tôi thật sự rối bời…

Trần Thanh Thanh (TP.HCM)

Bên bờ vực

Chị Thanh Thanh thân mến,

Thư chị rối bời tâm trạng, Hạnh Dung chia sẻ với nỗi đau đớn, thất vọng của chị. Hôn nhân là yêu thương và trách nhiệm, đôi khi yêu thương đã cạn mà trách nhiệm vẫn còn đầy. Dứt bỏ một lần không dễ, Hạnh Dung đề nghị chị tìm cách tháo gỡ dần từng nút thắt của vấn đề.

Đầu tiên là chuyện nợ nần, nhà cửa giấy tờ thế chấp: nợ còn bao nhiêu, đến khi nào thì trả xong, chị cần rà soát lại và có kế hoạch chắc chắn. Tiếp theo đó, chị xem lại hồ sơ mượn - trả nợ ngày xưa. Theo thư chị, món nợ là hoàn toàn của anh, chị chấp nhận cùng chồng trả nợ. Nhưng thông thường ở thời kỳ đầu còn mặn nồng, chị chấp nhận kiếm tiền trả nợ cho chồng con, chỉ có mỗi cái gật đầu và lòng hy sinh bền bỉ thầm lặng, không có một mảnh giấy tờ nào chứng minh rằng đó là món nợ của riêng anh. Số tiền gia đình cho mượn, thế chấp ngân hàng… lại là cho cả hai vợ chồng mượn. Nên có khi giờ coi lại trên giấy tờ thì đó là món nợ chung, ra tòa ly hôn ngay bây giờ, chị sẽ là người gánh một nửa món nợ đó. Vậy nên, chị cần tham vấn luật sư, chuẩn bị kỹ, phòng khi bất trắc. Khi có giải pháp rồi, những vấn đề khác sẽ có cách giải quyết.

Thứ hai, chuyện anh có bồ: cô gái kia là nhân viên mới, chắc hai bên cũng lợi dụng lẫn nhau mà thôi. Chị xem lại tình hình kinh tế, có phải anh có tiền rồi sinh chuyện này nọ? Nếu đúng vậy, cần đẩy nhanh tốc độ trả nợ, tăng khoản đóng góp của anh lên, tập trung vào chuyện này để giảm bớt “đầu tư ngoài lề”. Quản lý thật chặt nguồn này, tránh tình trạng xảy ra cãi vã, chồng chị sẽ không đóng góp tiền trả nợ nữa. Song song, chị cần gặp gỡ cô gái kia, bình tĩnh nhẹ nhàng nói rõ chuyện và yêu cầu cô ta chấm dứt quan hệ.

Cuối cùng, Hạnh Dung nghĩ lời chồng chị có ẩn ý rằng trong gia đình bầu không khí nợ nần, tiền bạc nặng nề đã kéo dài, chị xem thử có cách nào điều chỉnh. Có càm ràm thì nợ cũng không vì thế mà mất đi. Cần giữ gia đình như nơi tái tạo, phục hồi sức lực, nuôi dưỡng tình cảm. Hạnh Dung tin sau khi chị đánh giá được tình hình một cách thực chất hơn, chị sẽ có quyết định đúng đắn.

Hạnh Dung
(hanhdung@baophunu.org.vn)

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ 8g đến 17g các ngày thứ Hai, ba, Tư, năm, Sáu

Đăng lên bởi admincuchot lúc 15:32. Trong thư mục , . Nếu như bạn thích tin tức từ website này hãy theo dỏi bằng RSS 2.0.
Đăng bài viết của bạn bằng cách gữi bài viết về email cuchot86@gmail.com

0 comments for "Bên bờ vực"

Leave a reply