|

Tìm tiếng nói chung

Mẹ chồng em rất tiết kiệm, điện, nước, thậm chí đến giấy vệ sinh bà cũng nhắc từng ly từng tí. Thỉnh thoảng vợ chồng ra ngoài ăn, bà rất khó chịu. Em mua đồ về thì bảo tốn kém, đắt đỏ, không ai ăn (nhưng cuối cùng cũng ăn hết!). Hai ông bà mất ngủ nên hơn 3g sáng đã tỉnh giấc, nấu cơm sáng luôn, đến 6g em xuống thì nói con dâu dậy trễ. Lấy nhau hơn nửa năm vẫn không có thai, dù em đi khám thì bác sĩ cho biết là bình thường.

Em nói mãi, nhờ cả mẹ chồng nói, chồng em mới chịu đi khám, hóa ra là do chồng em. Lúc mới biết tin con mình không thể có con, ba mẹ chồng em khá sốc, lại càng để ý xét nét nhiều hơn khiến em thêm mệt mỏi. Cũng may là vợ chồng em làm thụ tinh ống nghiệm có kết quả ngay, nay con gái em đã được một tuổi. Mấy tháng sinh con, em ở nhà mẹ đẻ. Nay trở về nhà chồng, thấy càng không thể chịu nổi. Em đặt vấn đề với chồng hoặc ra ở riêng hoặc ly hôn, chồng em nổi cộc, đánh em gãy tay. Suốt thời gian ấy anh cũng không vào bệnh viện thăm vợ. Nhìn bên ngoài vào ai cũng tưởng em sung sướng không cần lo nghĩ, nhà cửa, cơm nước, chăm cháu đã có ông bà, chồng thì hiền lành. Nhưng có ở trong cuộc mới biết, chồng em như bù nhìn, không có tiếng nói trong nhà, mọi chuyện lớn nhỏ đều nghe lời ba mẹ. Em đang định ôm con về nhà mẹ ở nhưng sợ ba mẹ em vất vả. Giờ em không biết mình nên làm thế nào để cải thiện tình cảnh gia đình…


Trúc Nhi (TP.HCM)


Tìm tiếng nói chung

Em Trúc Nhi mến,

Hạnh Dung hiểu em đang buồn và bế tắc, nhưng hãy nghĩ đến tình cảnh của ba mẹ chồng em, chắc ông bà cũng buồn và bế tắc không kém: chỉ có một người con trai, nay lại không có khả năng có con. Nếu giờ em ôm con bỏ đi, ông bà cũng biết con trai ông bà khó xây dựng lại gia đình. Xét cho cùng, chính ông bà mới thật sự bế tắc. Cái buồn lo, nghĩ ngợi của ông bà có thể ảnh hưởng đến không khí gia đình, chứ hoàn cảnh của em vẫn còn lối mở, ít nhất là em cũng chủ động trong suy tính. Hạnh Dung phân tích vậy để em thông cảm hơn với ba mẹ chồng, đừng đổ tất cả lỗi cho ông bà.

Về phía chồng em, vô sinh là một bất hạnh. Anh ấy chắc chắn đang mặc cảm tự ti, buồn bực. Trong tâm trạng đó, nếu em đặt vấn đề gay gắt, có thể gây ra những phản ứng tiêu cực. Vì vậy, trong vụ “gãy tay”, chồng em có lỗi nhưng em cũng không hoàn toàn vô can. Quan trọng là hiện em có còn tình cảm với chồng không. Nếu còn yêu thương thì cố gắng thu xếp với nhau. Vợ chồng em vẫn có thể có thêm con bằng thụ tinh ống nghiệm. Hãy đề ra mục tiêu, cố gắng dành dụm, vài năm nữa kinh tế vững rồi có thể làm nhà riêng, không cần thuê nhà trọ. Ngay lúc này, khi gia đình nhỏ của mình đang chao đảo, tất yếu chồng em phải nương tựa vào gia đình lớn, vào bố mẹ. Em đừng cố tìm cách chia tách, dễ gây tổn thương cho nhiều người.

Bản thân em cần xác định: mình muốn gì trong thời điểm này? Nếu muốn “có tiếng nói trong nhà” thì trước tiên cần ở yên trong nhà đã, chuyện trò, thông cảm với ba mẹ chồng, xây dựng lòng tin… Nhiều việc trong nhà đang phụ thuộc vào em: sinh con, giữ gia đình toàn vẹn, giữ thể diện và hạnh phúc cho chồng. Xây dựng được “tiếng nói” cần có thời gian và trước tiên, cần có tình cảm thực sự. Không có một tiếng nói độc quyền trong gia đình đâu em, mà chỉ là tiếng nói chung giữa các thành viên, được xây dựng trên cơ sở hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.

Chúc em sớm tìm được tiếng nói chung ấy.

HẠNH DUNG

(hanhdung@baophunu.org.vn)

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn vào thứ Hai, Tư, Sáu
(sáng: từ 8g -11g30; chiều: từ 13g30 - 16g30
)

Đăng lên bởi admincuchot lúc 10:49. Trong thư mục , . Nếu như bạn thích tin tức từ website này hãy theo dỏi bằng RSS 2.0.
Đăng bài viết của bạn bằng cách gữi bài viết về email cuchot86@gmail.com

0 comments for "Tìm tiếng nói chung"

Leave a reply